Nhu cầu đi lại của con người ngày càng cao, cùng với đó là sự phát triển của dịch vụ vận chuyển hành khách, đặc biệt là dành cho mục đích du lịch, thăm quan. Khác với vận chuyển tài sản, vận chuyển hành khách có đối tượng đặc biệt hơn và mức độ rủi ro cao hơn nên khi tham gia giao dịch vận chuyển hành khách, các bên phải xác lập hợp đồng vận chuyển hành khách để đảm bảo hơn quyền và lợi ích của mình. Do đó, trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn quý khách hàng về cách thức soạn thảo hợp đồng vận chuyển hành khách theo pháp luật hiện hành.
1. Căn cứ pháp lý
- Bộ luật dân sự 2015 của nước CHXHCN Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016);
- Luật thương mại 2005;
- Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/09/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
- Nghị định số 110/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa;
- Nghị định số 30/2014/NĐ-CP ngày 14/04/2014 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển.
2. Hình thức hợp đồng
Điều 523 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hình thức hợp đồng vận chuyển hành khách như sau: “Hợp đồng vận chuyển hành khách có thể được lập thành văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể”.
Để đảm bảo đầy đủ nhất quyền lợi của các bên và là cơ sở chắc chắn để thực hiện hợp đồng thì các bên nên xác lập hợp đồng vận chuyển hành khách bằng hình thức văn bản.
Lưu ý: Vé là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách giữa các bên.
3. Nội dung cơ bản của hợp đồng
Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển. Pháp luật không quy định hợp đồng vận chuyển hành khách phải có các nội dung chủ yếu nào. Vì vậy, các bên tự do thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng. Công ty tư vấn Gold cung cấp một số điều khoản để quý khách hàng tham khảo:
- Thông tin các bên;
- Hành khách, hành lý vận chuyển;
- Địa điểm nhận khách, giao khách;
- Phương tiện vận chuyển khách;
- Quyền và nghĩa vụ các bên;
- Biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng;
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hơp đồng;
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng;
- Chấm dứt và thanh lý hợp đồng;
Lưu ý: – Các bên thỏa thuận quyền và nghĩa vụ của mình trên cơ sở quy định của pháp luật tại các Điều 524, 525, 526 và 527 Bộ luật dân sự năm 2015.
– Do đối tượng phục vụ là con người nên các yếu tố về đảm bảo an toàn, chất lượng dịch vụ phải được quan tâm hàng đầu. Vì vậy, khi giao kết, các bên cần làm rõ loại phương tiện vận chuyển, thời gian sản xuất, kiểm định chất lượng; trình độ, kinh nghiệm của người điều khiển phương tiện… Và Bên cung cấp dịch vụ phải bảo đảm, chịu trách nhiệm về chất lượng phương tiện, người điều khiển phương tiện.